Gia đình Hải – Hoa là hàng xóm của tôi, Hải quê miền Tây và Hoa người miền Trung. Hai nhà đều có con học lớp 7 và lớp 10, chúng lớn lên cùng nhau, học chung một lớp.
Đầu hè, Hoa rủ gia đình tôi về quê chơi, tham gia Lễ hội Nho và Vang tỉnh năm 2023. Quê Hoa ở Phước Thuận, Ninh Phước, một vùng trồng nho có tiếng ở Ninh Thuận. Bố mẹ Hoa có vườn nho rộng, cũng đăng ký tham gia cuộc thi “giàn nho đẹp”. Thấy mấy đứa nhỏ háo hức, chúng tôi thống nhất đi Ninh Thuận, tiện thể đi tắm biển Ninh Chữ.
Hai gia đình với 4 người lớn và 4 đứa trẻ, phương tiện lựa chọn là tàu hoả. Gọi 1900 636 212, qua tư vấn của nhân viên Tổng đài bán vé tàu hoả. Chúng tôi đặt mua 1 khoang nằm 6 giường và 2 ghế phụ của chuyến tàu SE8.
Tàu khởi hành ở ga Sài Gòn lúc 6h45’, tới ga Tháp Chàm lúc 12h42. Tàu SE8 với các toa tương đối mới, sạch sẽ và gọn gàng. Tới Tháp Chàm, chúng tôi bắt xe về nhà Hoa cách ga chưa đầy 10km.
Nhà Hoa nằm sát vườn nho của gia đình, căn nhà cấp 4 nhưng rộng rãi, khang trang và đủ tiện nghi, không như căn nhà ống của chúng tôi ở Sài Gòn. Sắp xếp chỗ nghỉ xong, 2 bà vợ chuẩn bị bữa ăn chiều, tôi và Hải ra thăm vườn nho. Nho ở đây có nhiều loại, mùa này, nho đang nhỏ, chưa đến kỳ thu hoạch, nông dân chủ yếu ra vườn cắt tỉa lá và các trái nho bị hư.
Buổi tối, chúng tôi quây quần bên mâm cơm ngoài sân, nhâm nhi ly rượu nho do gia đình làm. Rượu nho ở đây thơm, độ nồng vừa phải, vị chua chua, ngòn ngọt của trái nho và chan chát của hạt nho. Cảm giác sảng khoái, ngây ngất cứ từ từ, từ từ xâm chiếm lấy tôi.
Hỏi về cuộc sống của người dân trong vùng, chú Hà (bố của Hoa) hào hứng kể. Trước đây, cuộc sống của người dân rất khó khăn. Vùng này có thời tiết khắc nghiệt, mọi người chủ yếu làm nông nghiệp, thu nhập bấp bênh. Con cháu học hành không tới nên ít có cơ hội để phát triển. Sau này, nhà nước xây dựng đường xá, trường học và tạo điều kiện cho các cháu học hành.
Chính quyền còn giúp giống nho, hướng dẫn kỹ thuật trồng nho cho mọi người. Ngành nông nghiệp thường xuyên mở lớp tập huấn về nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp. Họ kiên trì hướng dẫn người dân áp dụng quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn.
Cuộc sống của mọi người dần được nâng cao, con em cũng được học hành đến nơi đến chốn. Hết phổ thông, cháu thì vào thành phố học tiếp. Cháu thì đi làm ở các cơ sở kinh doanh, sản xuất hoặc ở nhà trồng nho. Nhiều nhà bây giờ đã xây được nhà đẹp, mua được xe hơi, tất cả đều từ cây nho.
Cũng theo chú Hà, người dân nơi đây chân thật, hiền lành và sống với nhau chan hòa, vui vẻ. Ở đây nhà nào cũng làm rượu nho để dùng và làm quà cho người thân. Rượu nho Ninh Thuận hoàn toàn lên men tự nhiên, nồng độ dịu nhẹ, hoàn toàn nguyên chất, không pha rượu, không sử dụng hóa chất, hương liệu, phẩm màu… Bởi vậy rượu nho rất tốt cho sức khỏe, là một thức uống có thể dùng hàng ngày, giúp tiêu hóa tốt, ngủ ngon… Đặc biệt rất dễ uống, thích hợp với cả phụ nữ. Làm rượu nho cũng đơn giản.
Đầu tiên là lựa những trái nho ngon, loại bỏ những trái bị dập nát, rửa sạch để ráo nước, rồi để nguyên cả vỏ và hột, bóp nát từng trái rồi cho vào thạp gốm, cứ một lớp nho, một lớp đường trắng. Bịt kín miệng thạp, ủ chừng ba tháng để xác nho phân hủy, kết hợp với đường để tạo ra một vị đậm đà của rượu. Nhắm chừng rượu đã thành, mùi thơm bốc lên dậy mũi khi mở nắp là được. Đem ra lọc lấy nước trong chứa vào chai, để thêm một thời gian nữa là có thể uống. Đây cũng là thức uống mời khách đầy hương vị của dân vùng này.
Bí quyết của rượu nho ngon là ở chỗ cân nhắc độ chín của nho để gia giảm lượng đường, thời gian ủ để tạo hương vị nồng nàn quyến rũ, ngọt ngào, lâng lâng dễ chịu. Rượu nho càng để lâu, càng ngon, vị rất đằm thắm, sâu lắng, đậm chất.
Tôi hỏi về việc tham gia cuộc thi “giàn nho đẹp”, chú cho biết, lễ hội nho và vang tỉnh Ninh Thuận được tổ chức 2 năm 1 lần, bắt đầu từ năm 2014. Năm nay, Lễ hội Nho – Vang còn gắn với Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Cùng với nghề dệt thổ thổ cẩm, nghề gốm là nghề truyền thống của người Chăm ở vùng đất này. Cách nhà chú khoảng 10km là làng gốm Bầu Trúc nổi tiếng. Đây được xem là một trong những làng gốm lâu đời của người Chăm. Gốm làm hoàn toàn thủ công với vẻ đẹp rất riêng, đậm chất văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Chăm.
Cùng với Lễ hội Nho – Vang, năm nay tỉnh Ninh Thuận lần đầu tổ chức cuộc thi “giàn nho đẹp”. Các nhà vườn chuẩn bị 01 Clip giới thiệu vườn nho, các giống nho đang trồng, quy mô diện tích, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất …. gửi cho Ban tổ chức.
Cuộc thi có sự tham gia đánh giá của người dân và du khách kết hợp chấm điểm trực tiếp. Ban tổ chức sẽ đánh giá, chấm điểm, lựa chọn các “Giàn Nho đẹp” để tôn vinh để khen thưởng.
Mấy hôm nay, ngày nào cũng ra vườn dọn dẹp, chăm sóc, làm clip để tham gia thi, chú nói. Ngày mai, bọn cháu sẽ phụ làm vườn và quay phim, dựng clip cùng Ông, bọn trẻ hào hứng nói.
Hy vọng rằng, Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận và cuộc thi “giàn nho đẹp” sẽ thành công. Tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách, góp phần phát triển nghề nho tại vùng đất này.
Đêm đã khuya, mọi người cũng đã chếnh choáng hơi men. Chúng tôi cùng đi nghỉ để giữ sức cho các kế hoạch của ngày mai.
Một tuần nhanh chóng trôi qua với những chuyến tham quan khám phá vùng đất này. Bọn trẻ hình như đã cai được điện thoại. Chúng hào hứng với những chuyến tham quan, bận rộn với công việc ở vườn nho. Bàn luận, tìm hiểu, cắt, ghép, dựng clip để Ông gửi Ban tổ chức cuộc thi “giàn nho đẹp”.
Chia tay Ninh Thuận với rất nhiều hình ảnh, clip và những chai rượu nho đem về. Một chuyến đi ấn tượng, một kỳ nghỉ thành công ngoài mong đợi.
Ký sự tàu hỏa 06