Hè về, theo ý kiến của bà xã, cả nhà chúng tôi về quê Hà Tĩnh nghỉ hè và thăm gia đình. Gọi 1900 636 212 của Tổng đài bán vé tàu hoả, tôi đặt mua 1 khoang 4 giường chuyến tàu SE1 từ Hà Nội về Yên Trung cho gia đình 4 người. Tàu khởi hành từ ga Hà Nội lúc 22 giờ, lên tàu ngủ một giấc thì đến ga Yên Trung.
Sau mấy ngày ở lại với gia đình, chúng tôi đi thăm một số danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử ở Hà Tĩnh như khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, khu lưu niệm Trần Phú. Di tích lịch sử Khu lưu niệm Nguyễn Du, tắm biển Thiên Cầm …
Hôm nay, chúng tôi còn ghé thăm chùa Hương Tích, một trong 21 thắng cảnh của nước Nam xưa. Hương Tích là ngôi chùa cổ nằm ở lưng chừng đỉnh Hương Tích – một trong những ngọn núi đẹp, hùng vĩ nhất của dãy Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Với độ cao 650m so với mặt nước biển. Đây là quần thể di tích văn hóa tôn giáo với nhiều ngôi chùa Phật giáo theo phái Bắc Tông. Ngoài ra ở đây còn có một số đền thờ Thần và cả những ngôi đền thờ mẫu. Hương tích xây dựng từ thế kỷ thứ 13 dưới thời nhà Trần, chia làm ba phần chính: Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu.
Năm 1885, chùa bị hỏa hoạn lớn thiêu rụi phần lớn ngôi chùa. Năm 1901, Tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn tiến hành quyên góp tiền trùng tu và xây dựng lại chùa như ngày nay.
Có một số ý kiến cho rằng, Chùa Hương ở Mỹ Đức – Hà Nội là “phiên bản” ở phía Bắc của chùa Hương Tích. Chùa Hương được xây dựng từ thế kỷ 15, dưới thời vua Lê Thánh Tông, ban đầu chỉ là am nhỏ, gọi là thảo am Thiên Trù (Hương Tích được gọi là chùa trong, Thiên Trù gọi là chùa ngoài). Cuối thế kỷ 17, chùa Hương được xây dựng mở rộng. Tuy nhiên, trong thời kỳ chống Pháp, năm 1947 và năm 1948, người Pháp đã cho đốt phá, biến Thiên Trù thành đống gạch vụn hoang tàn. Năm 1950 Pháp tiếp tục thả bom khiến cho Thiên Trù bị san phẳng. Năm 1951 và các năm sau này, chùa Hương được xây dựng thêm nhiều công trình. Ngày nay chùa Hương là một quần thể kiến trúc nguy nga, hoành tráng, rất đẹp.
Tuy nhiên, ý kiến Chùa Hương là “phiên bản” ở phía Bắc của chùa Hương Tích không được giới sử học chấp nhận. Tên hai chùa có phần giống nhau nhưng mỗi chùa đều có bề dày lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc Phật giáo, cảnh sắc riêng, không có nét tương đồng.
Chùa Hương Tích ngày nay đã được chính quyền và một số đơn vị đầu tư tu sửa, xây dựng thêm một số công trình để phục vụ du khách như khu vực quảng trường dưới chân núi, cáp treo, đường lên chùa, cải tạo vệ sinh môi trường, cải tạo bến thuyền và thuyền đưa đón khách, xây dựng đường lên và các dịch vụ khác….
Tới chân núi, sau khi gửi xe, chúng tôi đi dạo trên quảng trường rồi ghé bến thuyền. Thuyền đi trên Hồ Nhà Đường khoảng 2km thì đến bến lên. Hồ có dòng nước trong xanh, xung quanh là các dãy núi với cây xanh ngút ngàn, đem lại cảm giác bình yên, mát mẻ và thoáng đãng cho du khách. Hương Tích mùa này ít khách, phù hợp với các những người muốn vãn cảnh chùa, tìm sự bình yên, thanh tịnh. Theo người lái đò thì mùa lễ hội bắt đầu sau tết Nguyên Đán, kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Hội chính tổ chức vào ngày 18/2 âm lịch, được coi là ngày công chúa Diệu Thiện hóa Phật.
Cũng theo người lái đò, Hương Tích là cõi Phật linh thiêng gắn liền với câu chuyện công chúa Diệu Thiện tu hành hóa Phật. Truyền thuyết kể lại rằng: “Khoảng 500 năm trước Công Nguyên, vua Trang Vương nước Sở (Trung Quốc) có ba người con gái, hai chị theo ý vua cha lấy chồng làm quan trong triều. Cô công chúa út Diệu Thiện không chịu lấy viên quan võ làm chồng theo sắp xếp của vua cha mà tìm đến cửa phật tu hành. Viên quan võ tức giận, phóng hỏa đốt chùa nhưng công chúa và các tăng ni được Phật che chở và cứu thoát. Diệu Thiện đi về phương nam và dừng chân ở động Hương Tích dựng am tu hành và nổi tiếng là vị sư cô từ bi bác ái. Khi Trang Vương lâm trọng bệnh, thầy thuốc khuyên phải có tròng mắt và bàn tay của một người con gái tự nguyện hiến dâng mới cứu được. Nghe tin, Diệu Thiện đã dùng mắt và bàn tay của mình đưa cho sứ giả về cứu cha. Trang Vương khỏi bệnh, sai người đến trả ơn mới biết đó là con gái mình. Đức Phật cảm động về tấm lòng của Diệu Thiện nên đã hóa phép cho mắt nàng sáng lại, tay mọc lại như cũ. Diệu Thiện đã tu hành đắc đạo và hóa thành Phật Quan Âm ngàn mắt ngàn tay”.
Thuyền tới bến, chúng tôi lên bờ đi bộ khoảng 1km thì đến bến cáp treo lên chùa. Lối đi nằm dưới tán thông xanh ngát, gió thổi rì rào với những dòng suối nhỏ chảy qua. Trên đường đi chúng tôi ghé thăm Miếu Cô, nơi công chúa Diệu Thiện thường nghỉ chân trên những tảng đá bằng phẳng, bên cạnh là dòng suối Hương Tuyền nước trong xanh bốn mùa để thưởng ngoạn cảnh sắc. Suối Hương Tuyền cũng là nơi du khách lên chùa thường dừng chân ở đây nghỉ ngơi, rửa tay bên dòng suối để trút bỏ bụi trần trước khi hành lễ.
Từ Miếu Cô đến chùa dài khoảng 900m, du khách có thể sử dụng cáp treo hoặc đi đường bộ. Đi từ ga Miếu Cô đến ga Hương Tích với thời gian khoảng 4 phút. Nếu đi bộ, quãng đường quanh co dài khoảng 2km với đường dốc đứng, khó đi. Trên đường, bạn có thể dừng ở trạm nghỉ Phật Bà bên dòng suối, phía dưới là khe Quỉ Khốc, phía trên là am thờ nhỏ.
Lên tới ga Hương Tích, chúng tôi ghé khu vực Bãi chợ trời, nghỉ ngơi ngắm cảnh và vào Chùa Thượng (còn gọi là Tam Bảo – Tiền Đường) thắp hương. Tam Bảo là nơi đặt 54 pho tượng bằng gỗ quý, được tác tạo từ thời Trần – Lê – Nguyễn. Các lớp tượng được trình bày có hàng, có thứ và có nhiều bức hoành phi câu đối. Tiền Đường là nơi để đồ tế khí và là nơi các thầy lễ bái và tụng kinh niệm Phật. Phía sau Chùa Thượng là động Hương Tích, còn gọi là Am Quan Âm, Am Phật Bà với vẻ nguyên sơ theo kết cấu cũ. Phía trong động đá hang sâu có tượng phật bà Quan Thế Âm ngồi tọa trên ngự sen và một số tượng mẹ bế con cầm cành liễu… Am Phật Bà là nơi thiêng liêng, được coi là nơi công chúa Diệu Thiện đã tu hành hóa phật.
Sau khi chiêm bái lễ Phật ở Chùa Thượng, chúng tôi đi xe điện xuống núi. Quãng đường từ ga Miếu Cô xuống chân núi khoảng 4km, chạy quanh co trong rừng thông. Chúng tôi ra về với lòng thanh thản và nhẹ nhõm, trút bỏ được mọi ưu phiền trong cuộc sống.
Ký sự tàu hỏa 07